Avatar

18 forever

@18foreverwannabe / 18foreverwannabe.tumblr.com

Tough, from inside out.
Avatar
reblogged
Avatar
chuyencuabeo
-Chị biết không, “hầm bà lằng” là từ mượn trong tiếng Quảng, có nghĩa là “tất cả” đó. -Ê vui hé, vậy mình nói “em là hầm bà lằng của anh” được hé!
Avatar

“Alô dịch vụ bạn trai dễ thương đã tới rồi đây” - MQ :))))).

Avatar

I watched too much dramas that someday I want to live in NYC :((((.

Avatar

Sắp 26 tuổi rồi phải không nhỉ?

Trong tầm tuổi này nè, với mình, đi làm vài ba năm, lên được manager xong thất nghiệp, lắm lúc câu hỏi khó nhất không phải đến từ những HR manager vừa đánh mình bị trượt, mà chỉ là câu hỏi từ chính mình thôi. 

“Hay chỉ làm người bình thường thôi nhỉ? Sống đời bình thường, chọn công việc nhẹ nhàng không bon chen gì đó?”

Nhưng thôi không được yếu đuối. Chọn vậy hèn lắm. Mình lại nghĩ đến cảnh mình sẽ và phải become something big trong tương lai, xong rồi tự xốc mình đứng lên đi tiếp. Cố lên cố lên!

Avatar
reblogged

Bánh mì kẹp trái đất

If two people on opposite sides of the world each drop a piece of bread, the earth briefly becomes a sandwich. - “Nếu hai người ở hai đầu thế giới cùng lúc đánh rơi một lát bánh mì, trái đất trong phút chốc trở thành một cái bánh mì kẹp.”

Thật là một suy nghĩ tuyệt đẹp và ngon lành hết sức!

Đã có thời đầu mình chỉ toàn những suy nghĩ “bánh mì kẹp” như vậy. Khi ấy thật đơn thuần, thật vui! Giờ thì có quá nhiều chuyện phải nghĩ, đến cả việc chọn mua túi xách thôi cũng khiến mình kiệt sức. Có lý thuyết cho rằng cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn liên tục. Mỗi người có một gói năng lượng “lựa chọn” mỗi ngày. Sáng ngày ra chúng ta “full máu”. Chọn một cái, mất một máu. Chơi làm sao để không hết máu nửa chừng là sống sót. Càng cạn năng lượng thì các quyết định càng dễ sai lầm. Vậy nên để giảm thiểu những sai sót ấy, người ta hạn chế bớt những chọn lựa nhỏ nhặt để tiết kiệm “máu”. Như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg ngày nào cũng mặc một bộ cho khỏi mất công nghĩ vậy.

Trong cuốn The honest truth about dishonesty, GS. Dan Ariely có làm một thí nghiệm chỉ ra rằng càng mệt chúng ta càng dễ dãi với bản thân và có xu hướng quyết định sai. Ví dụ sau một ngày bị sếp hành quần quật, về nhà chúng ta có thể mặc kệ mà cứ thế vật lên giường ngủ, không thèm đánh răng tắm rửa hay thay quần áo.

Việc làm người lớn đồng nghĩa với nhiều trách nhiệm và thêm vô số những lựa chọn hàng ngày. Trong khi có thể bản thân chúng ta chưa tiến hoá được lên quái thú nghìn máu, đã bị ném vào cuộc chiến không cân sức. Ngay cả chuyện đi làm mà phải nghĩ trưa nay ăn gì thôi cũng đã muốn gục ngã.

Thế nên với hầu hết những lệ bộ, thủ tục của xã hội mình chỉ muốn làm cho nhanh và đơn giản. Ngay cả đám cưới của mình cũng chỉ muốn phiên phiến, chủ yếu cho các cụ vừa lòng (còn không thì mình chả muốn tổ chức). Mình không quyết định cái gì trong đám cưới đó ngoại trừ cái váy mình mặc. Nếu mình còn phải lựa chọn cỗ mấy món, cắm hoa gì, tiệc ở đâu trang trí ra sao… chắc chắn mình đã khô máu trước khi lên được sân khấu mà trao nhẫn thề thốt trong tiếng nhạc réo rắt và tiếng khua đũa khua bát của cả trăm người đang mải mê ăn uống.

Có thể mình vẫn chưa sẵn sàng để bước vào thế giới người lớn. Mà sẵn sàng hay không cũng không quan trọng vì mình đã bị ném vào rồi. Mình không bất mãn, không nổi giận. Chỉ đôi lúc nhớ ra, thấy buồn vì biết mình vẫn thích bánh mì kẹp trái đất đến nhường nào. Trong sự o bế, chèn ép của vô số vụn vặt nghiêm trọng mà xã hội “giao phó”, mình quyết vẫn phải làm bánh mì kẹp cho được. Có khi còn xịt thêm nước sốt!

“Trong cuốn The honest truth about dishonesty, GS. Dan Ariely có làm một thí nghiệm chỉ ra rằng càng mệt chúng ta càng dễ dãi với bản thân và có xu hướng quyết định sai. Ví dụ sau một ngày bị sếp hành quần quật, về nhà chúng ta có thể mặc kệ mà cứ thế vật lên giường ngủ, không thèm đánh răng tắm rửa hay thay quần áo”

Chính xác luôn. Trong khoảng 1-2 năm trước khi mình quyết định nghỉ việc, về nhà phát là vật ra ngủ, có hôm không ăn uống gì chứ đừng nói đến mấy thứ xa xỉ như skincare nữa.

Avatar

Nghiệt ngã

Vừa tìm thấy một tin đăng tuyển với mức lương và yêu cầu kinh nghiệm vô cùng hoàn hảo cho mình. Công ty với lĩnh vực hơi xa lạ một tý nhưng phù hợp về career path nên có khó khăn mấy em cũng sẽ cố vượt qua.

Chỉ có điều...

Chỉ có một điều duy nhất...

Vô cùng nghiệt ngã là công ty bắt mặc áo sơ mi đồng phục màu vàng đi làm. Cha mẹ ơiiiiii :(((( lẽ nào giờ nhắm mắt đưa thân vì tiền và danh vọng :((((( em phải nàm saoooo? :((((

Avatar
reblogged

khen tặng và chê bai

Cách đây vài hôm mình có nói về chuyện các em junior trong ngành sáng tạo đừng sợ hãi khi đưa ra ý tưởng, khi đặt bút viết hoặc khi trình bày bất cứ ý kiến gì mình cho là đúng đắn. Tuy nhiên, mình cũng có căn dặn rằng thì là không ai trên cuộc đời này có nghĩa vụ phải pamper, khen tặng, inspire các em. Hên thì không nói, xui xẻo thì hoặc bỏ của chạy lấy người, hoặc cố gắng bám trụ: ngọc có mài mới sáng. Và luôn hỏi mình: Có đáng không? để quyết định trụ lại.

Hôm nay vô tình đọc được Q&A của một bạn học viết script và mentor của bạn:

Q: The only review I had was completely negative. I find it hard that all the work I have put into this, having never done this before, you would think others would understand and try and give positive feedback as well. Not just “This is not a story”. I feel like just giving up, not what I expected from my fellow classmates.

A: I agree, the feedback process can be frustrating. Often peers do not know exactly what to say; and often, in an effort to encourage improvement, they focus on things that can be improved rather than the things done well. However, this is often also the case in the real world where Script Readers are busy and have limited time for each script. It is important to think of feedback as a gift - look at it, absorb it, see what essence of truth there might be or why a reader might have that perspective. For example, upon receiving such feedback, ask: “Why does this person think that this is ‘not a story’? What constitutes a good story - that is, what are all the key elements? Am I missing any of those? How to I enhance those elements to make the story more clear?” And then… decide whether you are going to use the gift or not. it is your story to tell and the feedback is just one person’s opinion. But make sure that before you decide what to do with that opinion at least give it some consideration to see what merit it might have.If you would like some additional feedback on your assignment, post which assignment we are talking about, the name of your project, the date submitted and the Shareable Link.

Avatar
reblogged

Cái chết của một ngôn ngữ: tiếng Việt Sài Gòn cũ

Trịnh Thanh Thủy

© 2006 talawas

Vấn đề ngôn ngữ là vấn đề của muôn thuở, không riêng gì của người Việt. Trong bài viết này, tôi muốn bàn về một thực trạng của tiếng Việt mà đã đến lúc, chúng ta không thể không suy nghĩ về nó một cách nghiêm túc. Đó là nguy cơ diệt vong của một thứ tiếng Việt mà người miền Nam Việt Nam dùng trước năm 1975 hay còn được gọi là tiếng Việt Sài Gòn cũ. Thứ tiếng Việt đó đang mất dần trong đời sống hàng ngày của người dân trong nước và chẳng chóng thì chầy, nó sẽ biến thành cổ ngữ, hoặc chỉ còn tìm thấy trong tự điển, không còn ai biết và nhắc tới nữa. Điều tôi đang lo lắng là nó đang chết dần ngay chính trong nước chứ không phải ở ngoài nước. Người Việt hải ngoại mang nó theo hành trình di tản của mình và sử dụng nó như một thứ ngôn ngữ lưu vong. Nếu người Việt hải ngoại không dùng, hay nền văn học hải ngoại không còn tồn tại, nó cũng âm thầm chết theo. Nhìn tiếng Việt Sài Gòn cũ từ từ biến mất, lòng tôi bỗng gợn một nỗi cảm hoài. Điều tôi thấy, có lẽ nhiều người cũng thấy, thấy để mà thấy, không làm gì được. Sự ra đi của nó âm thầm giống như những dấu tích của nền văn hoá đệ nhất, đệ nhị cộng hoà VN vậy. Người ta không thể tìm ra nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Cổ Thành Quảng Trị, nghĩa trang Quận Đội, trường võ bị Thủ Đức, v.v… Tất cả đã thay đổi, bị phá huỷ hoặc biến đi như một sắp xếp của định mệnh hay một định luật của tạo hoá.

Nhắc đến tiếng Việt Sài Gòn cũ là nhắc tới miền Nam Việt Nam trước 1975. Vì cuộc đấu tranh ý thức hệ mà Nam, Bắc Việt Nam trước đó bị phân đôi. Sau ngày Việt Nam thống nhất năm 75, miền Nam thực sự bước vào sự thay đổi toàn diện. Thể chế chính trị thay đổi, kéo theo xã hội, đời sống, văn hoá và cùng với đó, ngôn ngữ cũng chịu chung một số phận. Miền Bắc thay đổi không kém gì miền Nam. Tiếng Việt miền Bắc đã chịu sự thâm nhập của một số ít ngữ vựng miền Nam. Ngược lại, miền Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp sự chi phối của ngôn ngữ miền Bắc trong mọi lãnh vực. Nguời dân miền Nam tập làm quen và dùng nhiều từ ngữ mà trước đây họ không bao giờ biết tới. Những: đề xuất, bồi dưỡng, kiểm thảo, sự cố, hộ khẩu, căn hộ, ùn tắc, ô to con, xe con, to đùng, mặt bằng, phản ánh, bức xúc, tiêu dùng, tận dụng tốt, đánh cược, chỉ đạo, quyết sách, đạo cụ, quy phạm, quy hoạch, bảo quản, kênh phát sóng, cao tốc, doanh số, đối tác, thời bao cấp, chế độ bao cấp, chế độ xem, nâng cấp, lực công, nền công nghiệp âm nhạc, chùm ảnh, chùm thơ, nhà cao tầng, đáp án, phồn thực, sinh thực khí, từ vựng, hội chứng, phân phối, mục từ, kết từ, đại từ, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân,v.v…dần dà đã trở thành những từ ngữ quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người dân miền Nam.

Có những từ ngữ miền Nam và miền Bắc trước 75 đồng nghĩa và cách dùng giống nhau. Có những từ cùng nghĩa nhưng cách dùng khác nhau. Tỷ như chữ “quản lý” là trông nom, coi sóc. Miền Nam chỉ dùng từ này trong lãnh vực thương mại trong khi miền Bắc dùng rộng hơn trong cả lãnh vực cá nhân như một người con trai cầu hôn một người con gái bằng câu: “Anh xin quản lý đời em”. Hoặc từ “chế độ” cũng vậy, miền Nam chỉ dùng trong môi trường chính trị như “chế độ dân chủ”. Miền Bắc dùng bao quát hơn trong nhiều lãnh vực như “chế độ xem”, “chế độ bao cấp”. Có những từ miền Bắc dùng đảo ngược lại như đơn giản - giản đơn; bảo đảm - đảm bảo; dãi dầu - dầu dãi; vùi dập - dập vùi. v.v…

Song song với việc thống nhất đất nước, chính quyền Việt Nam đã thống nhất hoá tiếng Việt và gọi đó là “tiếng Việt toàn dân”. Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục.

Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định. Tiếng Việt Sài Gòn cũ, gồm những từ ngữ mà tiếng Việt miền Bắc đã có từ ngữ thay thế, sẽ bị quên đi hoặc bị đào thải. Những từ ngữ thông dụng cho cuộc chiến trước đó sẽ biến mất trước tiên. Những: trực thăng, cộng quân, tác chiến, địa phương quân, thiết vận xa, xe nhà binh, lạnh cẳng, giới chức(hữu) trách, dứt điểm, phi tuần, chào bãi, tuyến phòng thủ, trái bộc pha, viễn thám, binh chủng, phi hành, gia binh, ấp chiến lược, nhân dân tự vệ, chiêu hồi, chiêu mộ, v.v… hầu như ít, thậm chí không được dùng trong hiện tại. Những từ ngữ thông dụng khác như ghi danh, đi xem đã bị thay thế bằng đăng ký, tham quan. Nhiều từ ngữ dần dần đã bước vào quên lãng như:sổ gia đình, tờ khai gia đình, phản ảnh, đường rầy, cao ốc, bằng khoán nhà, tĩnh từ, đại danh từ, túc từ, giới từ, khảo thí, khán hộ, khao thưởng, hữu sự, khế ước, trước bạ, tư thục, biến cố, du ngoạn, ấn loát, làm phong phú, liên hợp, gá nghĩa, giáo học, giáo quy, hàm hồ, tráng lệ, thám thính, tư thất, chẩn bệnh, chi dụng, giới nghiêm, thiết quân luật, v.v…

Ở hải ngoại, khi bắt đầu cầm bút, trong tâm thức một người lưu vong, viết, đối với tôi, là một động tác mở để vỡ ra một con đường: Đường hoài hương. Nhiều người viết hải ngoại cũng tìm đến con đường về cố hương nhanh nhất này như tôi. Hơn nữa, để đối đầu với cơn chấn động văn hóa thường tạo nhiều áp lực, tôi xem viết như một phương pháp giải toả và trám đầy nỗi hụt hẫng, rỗng không của một người vừa ly dị với quê hương đất tổ sau một hôn phối dài. Tôi không bao giờ để ý đến việc mình viết cho ai, loại độc giả nào, trong hay ngoài nước, và họ có hiểu thứ ngôn ngữ mình đang dùng hay không vì lúc đó, chỉ có một vài tờ báo điện tử liên mạng mới bắt đầu xuất hiện ở hải ngoại. Sau này, nhờ kỹ thuật điện toán ngày một phát triển, cầu giao lưu giữa trong và ngoài nước được nối lại, độc giả trong và ngoài nước đã có cơ hội tiếp xúc, thảo luận, đọc và viết cho nhau gần như trong gang tấc. Đó là lúc tôi được tiếp xúc với dòng văn học trong nước và làm quen với nhiều từ ngữ mới lạ chưa từng được nghe và dùng. Ngược lại, trong nước cũng vậy, số người lên mạng để đọc những gì được viết bởi người cầm bút ngoài nước cũng không ít.

Thế hệ chúng tôi được người ta âu yếm gọi là thế hệ một rưỡi, thế hệ ba rọi hay nửa nạc nửa mỡ, cái gì cũng một nửa. Nửa trong nửa ngoài, nửa tây nửa ta, nửa nam nửa bắc, nửa nọ nửa kia, cái gì cũng một nửa.

Do đó, nhiều lúc tôi phân vân không biết mình nên dùng nửa nào để viết cho thích hợp nữa. Nửa của những từ ngữ Sài Gòn cũ hay nửa của tiếng Việt thông dụng trong nước? Mình có nên thay đổi lối viết không? Tôi nghĩ nhiều người viết hải ngoại cũng gặp khó khăn như tôi và cuối cùng, mỗi người có một lựa chọn riêng. Không chỉ trong lãnh vực văn chương, thi phú mà ở các lãnh vực phổ thông khác như giáo dục và truyền thông cũng va phải vấn đề gay go này. Việc sử dụng nhiều từ ngữ thông dụng của quốc nội ở hải ngoại đã gặp nhiều chống đối và tạo ra những cuộc tranh luận liên miên, dai dẳng.

Các cơ quan truyền thông như báo chí, truyền thanh, truyền hình thường xuyên bị chỉ trích và phản đối khi họ sử dụng những từ trong nước bị coi là “chữ của Việt Cộng” và được yêu cầu không nên tiếp tục dùng. Nhất là ở Nam Cali, báo chí và giới truyền thông rất dễ bị chụp mũ “cộng sản” nếu không khéo léo trong việc đăng tải và sử dụng từ ngữ. Chiếc mũ vô hình này, một khi bị chụp, thì nạn nhân xem như bị cộng đồng tẩy chay mà đi vào tuyệt lộ, hết làm ăn vì địa bàn hoạt động chính là cộng đồng địa phương đó.

Trong cuốn DVD chủ đề 30 năm viễn xứ của Thúy Nga Paris, chúng ta được xem nhiều hình ảnh cộng đồng người Việt hải ngoại cố gìn giữ bản sắc văn hoá Việt Nam bằng cách mở các lớp dạy Việt ngữ cho các con em. Khắp nơi trên thế giới, từ nơi ít người Việt định cư nhất cho tới nơi đông nhất như ở Mỹ, đều có trường dạy tiếng Việt. Riêng ở Nam California, Mỹ, hoạt động này đang có sự khởi sắc. Ngoài những trung tâm Việt ngữ đáng kể ở Little Saigon và San José, các nhà thờ và chùa chiền hầu hết đều mở lớp dạy Việt ngữ cho các em, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Nhà thờ Việt Nam ở Cali của Mỹ thì rất nhiều, mỗi quận hạt, khu, xứ đều có một nhà thờ và có lớp dạy Việt ngữ. Chùa Việt Nam ở Cali bây giờ cũng không ít. Riêng vùng Westminster, Quận Cam, Cali, đi vài con đường lại có một ngôi chùa, có khi trên cùng một con đường mà người ta thấy có tới 3, 4 ngôi chùa khác nhau. Việc bảo tồn văn hoá Việt Nam được các vị hướng dẫn tôn giáo như linh mục, thượng tọa, ni sư nhắc nhở giáo dân, đại chúng mỗi ngày. Lớp học tiếng Việt càng ngày càng đông và việc học tiếng Việt đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng lưu vong. “Tại Trung tâm Việt ngữ Hồng Bàng, năm nay số học sinh nhập học tiếng Việt lên tới 700 em. Những thầy cô dạy tiếng Việt đều làm việc thiện nguyện hoàn toàn, đã hết lòng chỉ dạy cho các em, nhất là các em vừa vào lớp mẫu giáo tiếng Việt” (trích Việt báo, Chủ nhật, 9/24/2006)

Về vấn đề giáo trình thì mỗi nơi dạy theo một lối riêng, không thống nhất. Sách giáo khoa, có nơi soạn và in riêng để dạy hoặc đặt mua ở các trung tâm Việt ngữ. Còn ở đại học cũng có lớp dạy tiếng Việt cho sinh viên, sách thường được đặt mua ở Úc. Một giảng sư dạy tiếng Việt tâm sự với tôi: “Khi nào gặp những từ ngữ trong nước thì mình tránh đi, không dùng hoặc dùng từ thông dụng của Sài gòn cũ trước 75 vì nếu dùng cha mẹ của sinh viên, học sinh biết được, phản đối hoặc kiện cáo, lúc ấy phải đổi sách thì phiền chết.”

Sự dị ứng và khước từ việc sử dụng tiếng Việt trong nước của người Việt hải ngoại có thể đưa tiếng Việt ở hải ngoại đến tình trạng tự mình cô lập. Thêm nữa, với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật điện toán và thế giới liên mạng, báo chí, truyền thông của chính người Việt hải ngoại đến với mọi người quá dễ dàng và tiện lợi. Độc giả cứ lên mạng là đọc được tiếng Việt Sài Gòn cũ nên họ dường như không có nhu cầu tìm hiểu tiếng Việt trong nước. Kết quả là tiếng Việt trong và ngoài nước chê nhau!!!

Việc người Việt hải ngoại chống đối và tẩy chay ngôn ngữ Việt Nam đang dùng ở trong nước có vài nguyên do:

Thứ nhất là do sự khác biệt của ý thức hệ. Những người Việt Nam lưu vong phần lớn là người tị nạn chính trị. Họ đã từ bỏ tất cả để ra đi chỉ vì không chấp nhận chế độ cộng sản nên từ chối dùng tiếng Việt trong nước là gián tiếp từ chối chế độ cộng sản.

Thứ hai, sự khác biệt của từ ngữ được dùng trong cả hai lãnh vực ngữ nghĩa và ngữ pháp. Đây là một thí dụ điển hình. Trong cùng một bản tin được dịch từ một hãng thông tấn ngoại quốc, nhà báo ở trong nước và ngoài nước dịch thành hai văn bản khác nhau:

Trong nước:

Tàu ngầm hạt nhân Nga bốc cháy

Interfax dẫn một nguồn tin Hải quân Nga cho hay ngọn lửa bắt nguồn từ phòng điện hóa và dụng cụ bảo vệ lò hạt nhân đã được kích hoạt, do đó không có đe dọa về nhiễm phóng xạ. Phát ngôn viên hạm đội này cho hay: “Lửa bốc lên do chập điện ở hệ thống cấp năng lượng phần mũi tàu. (http://vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/2006/09/3B9EDF89/)

Ngoài nước:

Hỏa hoạn trên tàu ngầm Nga

Hải quân Nga nói rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu Daniil Moskovsky đã tự động đóng lại và không có nguy cơ phóng xạ xảy ra. Chiếc tàu đã được kéo về căn cứ Vidyayevo. Nguyên nhân hỏa hoạn có thể do chạm giây điện. (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=48362&z=75)

Một người Việt hải ngoại khi đọc văn bản thứ nhất sẽ gặp những chữ lạ tai, không hiểu nghĩa rõ ràng vì sự khác biệt như những chữ: phòng điện hoá, được kích hoạt, chập điện, hệ thống cấp năng lượng…

Hơn thế nữa, Việt Nam mới bắt đầu mở cửa thông thương giao dịch với quốc tế; những từ ngữ mới về điện toán, kỹ thuật, y khoa, chính trị, kinh tế, xã hội, ồ ạt đổ vào. Có nhiều từ ngữ rất khó dịch sát nghĩa và thích hợp nên mạnh ai nấy dịch. Ngoài nước dịch hai ba kiểu, trong nước bốn năm kiểu khác nhau, người đọc cứ tha hồ mà đoán nghĩa. Có chữ thà để ở dạng nguyên bản, người đọc nhiều khi còn nhận ra và hiểu nghĩa nó nhanh hơn là phiên dịch.

Trong việc phiên dịch, theo tôi, địa danh, đường phố, tên người nên giữ nguyên hơn là phiên dịch hay phiên âm. Nếu có thể, xin chú thích từ nguyên bản ngay bên cạnh hay đâu đó bên dưới bài viết sẽ giúp người đọc dễ theo dõi hay nhận biết mặt chữ. Tỷ như việc phiên âm các địa danh trên bản đồ trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục trong nước là việc đáng khen nhưng tôi nghĩ, nếu đặt từ nguyên thủy lên trên từ phiên âm thì các em học sinh chưa học tiếng Anh hoặc đã học tiếng An sẽ dễ nhận ra hơn. Xin lấy tỉ dụ là những địa điểm được ghi trên tấm bản đồ này. (http://i12.photobucket.com/albums/a215/unisom/thualuonJPG.jpg)

Tôi thấy một hai địa danh nghe rất lạ tai như Cu dơ Bây, Ben dơ mà không biết tiếng Mỹ nó là cái gì, ngồi ngẫm nghĩ mãi mới tìm ra: đó là hai địa danh Coos Bay và Bend ở tiểu bang Oregon, nước Mỹ!

Ngôn ngữ chuyển động, từ ngữ mới được sinh ra, từ cũ sẽ mất đi như sự đào thải của định luật cung cầu. Tiếng Việt Sài Gòn cũ ở trong nước thì chết dần chết mòn; ở ngoài nước, nếu không được sử dụng hay chuyển động để phát sinh từ mới và cập nhật hoá, nó sẽ bị lỗi thời và không còn thích ứng trong hoạt động giao tiếp nữa. Dần dà, nó sẽ bị thay thế bằng tiếng Việt trong nước. Nhất là trong những năm gần đây, sự chống đối việc sử dụng tiếng Việt trong nước ngày càng giảm vì sự giao lưu văn hoá đã xảy ra khiến người ta quen dần với những gì người ta đã phản đối ngày xưa. Tạp chí, sách, báo đã đăng tải và phổ biến các bản tin cũng như những văn bản trong nước. Người ta tìm được nhiều tài liệu, ấn phẩm, sách nhạc quốc nội được bày bán trong các tiệm sách. Các đài truyền thanh phỏng vấn, đối thoại với những nhà văn, nhà báo, chính trị gia và thường dân trong nước thường xuyên. Đặc biệt, giới ca sĩ, nhiều người nổi tiếng ra hải ngoại lưu diễn, đi đi về về như cơm bữa. Giới truyền thông bây giờ sử dụng từ ngữ trong nước rất nhiều, có người mặc cho thiên hạ chỉ trích, không còn ngại ngùng gì khi dùng từ nữa. Khán thính giả có khó chịu và chê trách, họ chỉ giải thích là thói quen đã ăn vào trong máu rồi, không chịu thì phải ráng mà chịu.

Sự ra đi của một chế độ kéo theo nhiều thứ: con người, tài sản, nhà cửa, vườn tược, lịch sử… nhưng có cái bị lôi theo mà người ta không ngờ nhất lại là “cái chết của một ngôn ngữ”. Đau lòng lắm thay!

dành cho hội yêu chữ <3

Avatar
reblogged

GIẢI TOẢ TRẮNG

FB: GIANG ĐẶNG

Các nhà quy hoạch đô thị, chính quyền TP HCM và nhiều người Việt coi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm là hiện thân của giấc mơ Việt thế kỷ 21. Nó biến một vùng mà họ cho là hoang vu thành một tiểu Singapore, một khu sình lầy hạ cấp thành một thế giới hào nhoáng cho một cuộc sống hiệu quả và mang tính toàn cầu.

Trong khi theo đuổi giấc mơ này, người ta sẵn sàng quên đi lịch sử của cư dân Thủ Thiêm, thậm chí khước từ nó quyền có một lịch sử. Thủ Thiêm được nhìn nhận như một chốn không người, một vùng đất hoang. Người ta hạ bút ký lệnh “giải toá trắng”. San bằng hết, không để lại thậm chí hai viên gạch chồng lên nhau. Không có gì được phép quấy rối sự hiện diện của tương lai.

Nhưng đây không phải là vùng đất hoang. Trong khu vực bị giải toả có gần 15 nghìn hộ gia đình sinh sống. Nó có nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh giá, một công trình và địa điểm tôn giáo quan trọng. Ngoài ra, theo Erik Harms, phó giáo sư nhân học, ĐH Yale, Mỹ, ở đây còn có 29 công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác nữa, bao gồm các đình, chùa, đền, miếu, tịnh xá và nhà nguyện. Tới giữa 2016, ngoài chùa Liên Trì và nhà thờ, tu viện Dòng mến Thánh giá, tất cả đã bị phá huỷ hoặc di dời tới địa điểm mới, trong đó có ngôi đình cổ An Khánh nổi tiếng. Rạng sáng ngày 8 tháng 9 năm ngoái, một lực lượng 500 người tới chùa Liên Trì đọc lệnh cưỡng chế trước sự toạ kháng của các vị sư. Chứng kiến cảnh này, vị sư trụ trì phải đi cấp cứu.

Vậy là bây giờ chỉ còn nhà thờ và tu viện Dòng Mến Thánh giá vẫn đấu tranh cho quyền được tồn tại trên mảnh đất của chính mình. Ở vị trí này, giáo đoàn Thủ Thiêm được thành lập năm 1840. Một nhà thờ gỗ được dựng lần đầu năm 1865 và được xây lại vào năm 1885. Năm 1930, một tháp chuông được dựng lên để treo năm quả chuông đồng được đúc tại Pháp trong khoảng thời gian 1889 - 1892.

Hiện nay, các cha và các sơ vẫn cần mẫn làm các hoạt động thường ngày của mình, tỉa cỏ, nuôi cá, trồng rau, dạy học. Các buổi lễ Chủ nhật vẫn kín người dân đã bị di dời nhưng vẫn quay về nghe giảng. Họ còn ở đó được bao lâu nữa thì không rõ.

Trên Facebook cách đây hai ngày, lãnh sự quán Canada ở TP HCM đặt câu hỏi tại sao lại phải phá đi một nhà thờ có lịch sử lâu đời hơn cả quốc gia Canada.

Câu trả lời từ chính quyền và báo chí chính thống là: việc di dời công trình này là “cần thiết để nhằm phát triển kinh tế - xã hội thành phố.”

Không rõ một nhà thờ 150 tuổi thì có thể cản trở sự phát triển của thành phố 8 triệu dân tới mức độ nào? Không rõ vì sao nó không được phép đứng cạnh các cao ốc văn phòng, Starbucks, KFC, rạp chiếu phim, siêu thị điện máy và shopping malls? Vì sao?

Các pano tuyên truyền treo ở Thủ Thiêm kêu gọi người dân chung tay xây dựng một thành phố không những “văn minh” và “hiện đại” mà còn “nghĩa tình”.

Xoay đi xoay lại cũng chẳng biết nên hiểu chữ “nghĩa tình” như thế nào. Nhưng với những người dân gắn bó với các đình, chùa, nhà thờ, tu viện ở Thủ Thiêm, hẳn nó giống như một cái tát vào mặt.

(Nguồn: thông tin về lịch sử nhà thờ được lấy từ cuốn “Luxury and Rubble: Civility and Dispossession in the New Saigon” của Erik Harms, Yale University)

Avatar
reblogged

nhân ngày 20.10 

Hôm nay trên đường đi bộ gặp một nhóm mấy bạn gái đi với nhau, bạn nào cũng núng nính và mặt đầy mụn. Chợt nghĩ, không biết các bạn ấy có thoải mái với bản thân mình không.  Nếu bạn tròn xoe, ngồi xuống một cái là bụng xếp ngấn, chỉ thấy thoải mái nhất khi mặc quần legging đen, mặt lúc nào cũng lấm tấm mụn đỏ, tóc xơ xác và chẳng kiểu cách gì, độc thân từ thủa lọt lòng, cứ crush thằng nào là thằng đó (vội) có người yêu, lại có cả một tâm hồn đẹp và bạn thấy vui vẻ với điều đó thì không sao, bạn hãy tiếp tục vui vẻ vậy đi.  Còn nếu bạn vẫn có đầy đủ các đặc tính trên và không vui vẻ lắm, ví dụ như bạn muốn mặc quần áo thoải mái thay vì chỉ legging, đi đứng nhanh nhẹn không đổ vỡ, selfie không cần app cà mặt… thì hãy tự thay đổi đi thôi. 

Mình rất ghét những câu an ủi vuốt ve kiểu béo thì vẫn đẹp, ai cũng đẹp theo cách của mình… Không đâu, béo có nhiều kiểu béo. Nếu béo mà vòng nào ra vòng nấy, eo săn chắc, da dẻ hồng hào, mịn màng… thì mới dễ ưa nhé. Còn béo mà bụng cả tảng mỡ, chân tay bèo nhèo, da mặt xám ngoét thì không có đẹp đâu.  Ai cũng đẹp theo cách riêng là một câu nói dễ gây hiểu nhầm rồi trở nên dễ dãi, buông thả với bản thân. Nếu đã tự tin rồi sẽ không cần ai đó an ủi thế, những người cần dựa dẫm vào những câu nói như trên lại thường là những người đang cần thay đổi nhất. 

Đẹp văn minh bây giờ là KHOẺ. Cơ thể (da, tóc, tất tật) khoẻ mạnh, dẻo dai, nhanh nhẹn. Vậy nên nếu muốn đẹp hãy cố khoẻ. Cần làm gì để thay đổi thì làm. Tập thể dục này, skincare này, ăn uống điều độ, giảm đồ ngọt, chất kích thích, không thức đêm thức hôm, đi đứng thẳng cái lưng lên, chân bước đừng toè ra hình chữ bát… Khi nào khoẻ sẽ tự dưng thấy đẹp, thấy vui vẻ tự tin. Sau khoẻ là đến sạch. Nếu không có gu thẩm mỹ cao lắm, không có nhiều tiền lắm thì trước hết hãy sạch sẽ, gọn gàng. Đã đẹp lên gấp mấy rồi. 

Mình từng là một đứa rất không thoải mái với cơ thể của mình (nếu bạn lớn lên và lúc nào cũng bị chê xấu, chê béo lẫn cười cợt thì có thể một ngày bạn cũng tin thế), một đứa sẽ bị trêu chọc nếu có hứng lên bôi son hoặc mặc váy, sẽ trông rất ngớ ngẩn khi bước vào hàng mỹ phẩm và lập tức bị nhân viên bỏ qua luôn vì không có vẻ khách hàng tiềm năng gì sất. Mình từng úp mặt vào lưng người yêu bảo em không thích cơ thể mình gì hết, không chút nào cả. Anh - người chưa từng chê mình cũng chưa từng khen một tiếng, đã ôm mình nói rằng anh biết em có nhiều khiếm khuyết nhưng anh thích cơ thể của em, vì nó rất thật, và chỉ cần em khoẻ, vui vẻ là được. 

Vậy nên, chỉ cần bạn có ý thức về bản thân và nỗ lực thì bạn sẽ khoẻ, sẽ đẹp, sẽ thoải mái. Còn nếu trong lúc bạn đang nỗ lực mà có đứa nào chê bạn xấu, bạn béo, bạn nhiều mụn… (hay whatever), thì cứ highfive vào mặt nó bằng một cái ghế nhé. Thế thôi, chúc chị em luôn khoẻ, luôn đẹp, luôn được yêu ahhihih.  

Ngày xưa mình với con bạn thân có đợt cãi nhau chí chóe trên instagram đến độ không nhìn mặt nhau hơn cả năm trời vì vụ gầy ốm béo đẹp này. Quan điểm của mình vẫn thế, nếu không cảm thấy vui vẻ thoải mái với ngoại hình của mình thì hãy thay đổi ngay lập tức đi. Hồi đấy chắc do comment qua lại nói không hết ý mà lại còn bằng broken English nên giận nhau luôn. Giờ nhớ lại thấy mình đã học được một bài nhớ đời về việc nói năng như thế nào, và cả về những mối quan hệ xung quanh nữa. Nhưng bài sau có vẻ khó hơn và vẫn còn dấu hiệu mờ mịt của sự master.

Source: mutattroncom
Avatar
reblogged
Avatar
lemd
“Chuyên nghiệp” là khi bạn chấp nhận cả mặt sáng và tối của nghề nghiệp. Thường thì người ta đến với nghề do hào quang của nó. Họ muốn trở thành bác sỹ, luật sư, chuyên gia tài chính… vì sự nể trọng của xã hội, thu nhập cao, hình ảnh tiêu biểu. Song không phải ai cũng biết cái trĩu nặng của người bác sỹ khi vuột mất mạng sống của bệnh nhân, sự công kích của dư luận nhắm vào một luật sư khi phải bào chữa cho tội phạm . Người chuyên nghiệp là người làm đúng nhiệm vụ và bổn phận của mình, họ chọn lựa nó làm con đường kiếm sống, đạp bằng khó khăn, thử thách và dư luận.
Avatar
reblogged

Sự xấu xí cay đắng

Ngày mình học lớp 10, lần đầu tiên được mặc áo dài. Nhà trường có quy định bắt mặc thứ 2 hàng tuần. Hồi đó, đi may áo dài trắng xong đi mua guốc cho đúng điệu. Vụ mua guốc đã xiên vào lòng mình một vết sâu như giày gót nhọn bảy phân.

Mẹ cho mình tiền tự đi mua guốc. Mình bị mấy chị bán hàng dụ dỗ nên đã chọn một đôi kitten heel tầm 5 phân có hoa xinh xắn. Thứ nữ tính nhất trong mười mấy năm cuộc đời. Mua về xong bị mẹ chửi bới lộn nhà, bảo cái gót như thế làm sao mà đi được, liền lôi mình ra cái hàng giày đó làm ầm cả cửa hàng người ta lên. Mắng cả người bán hàng sao lại để mình chọn một đôi guốc có gót như vậy, nó béo như vậy đi guốc thế thì đau chân chết à, rồi nằng nặc đòi đổi một đôi dép đế bệt khác. Cô bán hàng khó chịu lắm nhưng đành nhịn mẹ mình. Lúc đổi đôi khác quay ra nhìn mình khinh bỉ bảo lần sau cháu chọn cho cẩn thận cho vừa ý mẹ nhé. Cả câu chuyện sôi động ở hàng giày mình đứng im chịu trận từ cả mẹ và người bán hàng. Lúc mẹ bắt chọn một đôi dép khác thay cho đôi guốc 5 phân kia mình chỉ bừa một đôi, lòng chỉ mong mau chóng ra khỏi cửa hàng. Từ sau mình cũng không đi đôi dép đó một lần nào.

Mình không biết nên nghĩ thế nào trong tình huống ấy cho phải. Mình không giận mẹ, chỉ thấy bẽ bàng. Mình rất hiểu nỗi lòng ẩn ức của mẹ, nhưng mình chưa bao giờ hiểu được sao mẹ lại cố áp điều đó lên cả mình. Mẹ mình từng là một cô gái vô cùng xinh đẹp, là hoa khôi của trường, của xóm. Mẹ đẹp thật, không cần trang điểm gì mà nét nào cũng đẹp. Nhưng vẻ đẹp ấy đã bị thời gian và sự vất vả vùi lấp. Mẹ không còn đẹp như xưa nữa. Còn mình thì chưa bao giờ đẹp :)))). Đến bố mẹ mình còn chê mình xấu, chả giống ai trong nhà (giống mẹ mình thì đã xinh), lúc nào cũng lo sợ mình ế chồng. Nếu bạn từng bước chân vào một lớp học và bị chế giễu ngay từ cái nhìn đầu tiên, bạn sẽ hiểu tâm trạng của mình =))))). Mình bị con trai chê thẳng mặt nhiều đến nỗi sau thấy chai lì luôn. Một đứa chưa bao giờ xinh đẹp thì sẽ ít thấy cay đắng hơn một cô gái từng rất xinh đẹp và đánh mất vẻ đẹp đó. Mẹ mình từng không cho mình làm gì với tóc, không nhuộm, không uốn… không cho mình mặc quần đùi ngắn, không cho mình đi giày cao gót… Lúc nào cũng nói với mình, béo xấu thì mặc đồ gì cũng không đẹp được.

Mình cảm thấy mẹ thương mình không chỉ vì mình là con của mẹ mà còn vì mình là đứa con xấu xí của mẹ. Đứa con gái đáng thương không đẹp đẽ, không có thằng con trai nào để mắt tới. Còn mình thấy thương mẹ bởi sự luyến tiếc vẻ đẹp thanh xuân mà chẳng cô gái nào giữ mãi được. Mỗi lần mẹ mình đi họp lớp cũ, mấy ông bạn lại nửa đùa nửa thật chê sao giờ các bà già thế, béo thế. Mẹ mình kể lại giọng cười rất chua chát. Lần nào mình cũng ngồi tổng sỉ vả mấy ông già thô thiển đó, bảo con mà ở đấy con chửi cho lật bàn lật ghế (mình bố láo sẵn rồi, không phải cứ lớn tuổi mà mình nể nang đâu).

Mình từng nghe nhiều lời bình phẩm về ngoại hình tới nỗi mình cảm thấy thân xác là một chốn tạm bợ. Hồi mình mới công khai người yêu cũng không ít người kêu sao mình xấu thế mà lại có bồ… cool vậy, mặt mũi đáng yêu bụng 6 múi… đến mức anh phải vào comment lại rằng chê người yêu người khác xấu cũng không đẹp đẽ gì (cute, right? hahah!). Thật ra, thùy trong một lần đi lên núi đã học được một liều thuốc mê của mấy chị dân tộc, trộn vào nước cho uống là sẽ khiến giai đổ rào rào, làm mình cưng đi mình chia sẻ công thức cho :)))))))))))))))))))))))).

Mình sẽ không nói với các bạn rằng nhan sắc không quan trọng, rằng chúng ta thấy vui vẻ với bản thân là được rồi bất chấp mọi lời đàm tiếu, bình phẩm…. Vì xinh đẹp dễ sống hơn thật, dễ được yêu hơn, và những lời chê bôi luôn gây tổn thương. Nhưng mình có thể khẳng định một điều rằng có vô số cách nhìn nhận vẻ đẹp, cái đẹp là thứ dễ thay đổi, cảm tính và kỳ quặc hết sức. Vậy nên nó không thể là một yếu tố vững chắc để xây dựng tình yêu.

Mình nghĩ dù mình không thể xinh xắn cho đẹp cuộc đời thì mình cũng sẽ cố gắng bao dung với nỗi đắng cay của sự xấu xí. Như việc mình không thể đẹp như mẹ mình ngày xưa, mình cũng sẽ bỏ qua nỗi thất vọng của mẹ với mình. Mấy cô gái thấy uất ức vì xinh đẹp hơn mình mà vẫn không có người yêu xịn, mình sẽ thật lòng khen họ xinh đẹp, ít nhất dù không có người yêu họ vẫn rực rỡ.

Nếu bạn đã và đang cảm thấy đau lòng bởi những lời chê bôi, đừng lo, chúng sẽ luôn gây đau đớn như vậy. Mình chẳng có lời khuyên hay an ủi gì cho chuyện này. Mình chỉ đơn giản chọn niềm vui, như chọn một đôi giày mình thích, một màu son mình ưa… Rồi sau cùng, cũng có thể bạn sẽ gặp người chọn những niềm vui giống bạn. Người yêu cả cái cơ thể bạn cho là tạm bợ. Đó là một sự bù đắp kỳ diệu của tạo hóa cho những chênh lệch, khác biệt về quan điểm thẩm mỹ của thế giới. Thế giới đôi lúc cũng đáng yêu mà!

Hoặc nếu không thì… thôi.

5.6.2016 p.s: post lại nhân dịp mẹ bảo mình là cô dâu xấu nhất :)))))))))))))))))

Source: mutattroncom
You are using an unsupported browser and things might not work as intended. Please make sure you're using the latest version of Chrome, Firefox, Safari, or Edge.